Lượt xem: 693

“Hành trình” đưa cây dưa lưới xuống chân ruộng thay thế cây lúa

Hơn 1 ha diện tích đất lúa thuộc vùng trũng phèn, chuyên canh trồng lúa ngày nào của gia đình anh Lê Huỳnh Việt Trung, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm được thay thế bằng ruộng dưa lưới xanh mượt, với số lượng trái dày đặc nằm trên nền đất.

 


Anh Lê Huỳnh Việt Trung, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm chuyển đổi 1ha đất trồng lúa sang trồng dưa lưới dưới chân ruộng. Ảnh: Thúy Liễu

    Hơn 15 năm về vùng đất trũng phèn xã Tân Long, thị xã Ngã Năm lập nghiệp, anh Việt Trung dần dần chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nhiều loại cây khác nhau như ổi, xoài... Ngoài trồng các loại cây ăn trái, anh Trung còn tìm tòi nghiên cứu phát triển trồng cây dưa lưới, vì trái dưa lưới tốt cho sức khỏe con người, cùng với đó dưa lưới có giá trị kinh tế cao.

    Năm 2020, anh Việt Trung xây dựng nhà màng để trồng dưa lưới, diện tích 520m2 thử nghiệm, với 1.300 dây dưa. Dưa lưới sau thời gian ươm hạt nảy mầm, phát triển thành cây dưa và đưa vào trồng bên trong nhà lưới; thông thường cây dưa sẽ được trồng trong chậu có giá thể, tuy nhiên anh Việt Trung trồng luôn cây dưa trên nền đất kết hợp lót bạt ngay bên trong nhà màng và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, bằng nước giếng khoan để đảm bảo sản phẩm dưa sau thu hoạch an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong vụ trồng dưa lưới thử nghiệm đầu tiên, số lượng dưa thu về 2 tấn trái, lợi nhuận hơn 60 triệu đồng.

    Để đảm bảo việc trồng dưa lưới đạt năng suất, chất lượng cho các vụ mùa tiếp theo, anh Việt Trung tiếp tục gieo trồng thử nghiệm vụ dưa lưới thứ 2. Kết quả thu lại là trọng lượng dưa tăng cao từ 1,8 kg - 3,5 kg/trái (thường dưa lưới có trọng lượng từ 1,2 kg - 2,2 kg). Vụ dưa lưới thứ 2 năng suất trái đạt hơn 2,5 tấn trái. Khi biết chắc chắn việc trồng dưa lưới trong nhà màng thành công, anh Trung đã mở rộng diện tích nhà lưới trồng dưa lưới lên hơn 2.000 m2. Tính đến thời điểm này, nhà màng đã trồng được 5 đợt dưa lưới; riêng đợt trồng dưa lưới bán trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thu hoạch 8 tấn trái, giá bán 50.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận đem về hơn 240 triệu đồng.

    Anh Việt Trung chia sẻ, dưa lưới trồng bên trong nhà màng không bị sâu hại tấn công, dây dưa sinh trưởng tốt, cho trái đồng đều, đặc biệt khi cây dưa lưới trồng dưới nền đất góp phần hạn chế nước tưới, giảm lượng phân bón cung ứng cho cây, dưa có độ giòn và ngọt hơn so với dưa trồng trong chậu có giá thể; đồng thời, chi phí đầu tư trồng dưa giảm đáng kể. Cụ thể, chi phí xây dựng nhà màng có đầy đủ hệ thống tưới phun bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, kết hợp giá thể dùng trồng dưa hơn 500 triệu đồng/1.000m2, thì với nhà màng trồng dưa không sử dụng giá thể thì khoảng 350 triệu đồng/1.000m2.

    “Năng suất dưa lưới trồng dưới nền đất trong nhà màng cho trái có trọng lượng từ 1,8 kg - 3,5 kg/trái, kèm theo đó, dưa lưới giảm lượng nước tưới, phân bón khoảng 30%, lý do là khi trồng dây dưa dưới đất chỉ cần tưới nước 2 lần/ngày, còn trồng trong chậu giá thể thì phải tưới nước liên tục 24/24 giờ. Dưa lưới trồng trên nền đất có vị ngọt, có độ giòn tốt nhờ vào việc cắt giảm lượng nước và ngưng hẳn nước trước 1 tuần thu hoạch dưa” - anh Việt Trung cho biết thêm.

    Qua các đợt trồng dưa lưới bên trong nhà màng, dưa cho năng suất cao, giá bán tốt, tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn tại địa phương; từ đó, anh Việt Trung đã mở rộng diện tích trồng cây dưa lưới bằng cách đưa cây dưa lưới trồng trên đất lúa. Hiện tại, ruộng dưa lưới đang sinh trưởng tốt, khoảng 2 tuần nữa sẽ cho thu hoạch trái.

    Để cây dưa lưới được trồng phổ biến giống như dưa hấu, từ thực tiễn dưa lưới trồng nhà màng trên nền đất, anh Trung đã đưa cây dưa lưới trồng luôn dưới chân ruộng, ở ngoài trời. Đây được xem là quyết định có phần “mạo hiểm” đối với dân có “nghề” trồng dưa lưới, nhưng với anh Trung trước khi đưa cây dưa xuống trồng trên nền đất lúa, anh đã có thời gian dài thử nghiệm bằng cách khi trồng cây dưa hấu dưới chân ruộng, thì anh trồng luôn vài luống dưa lưới vào các mùa vụ trong năm. Sau vài vụ mùa trồng dưa lưới thử nghiệm dưới chân ruộng, anh Trung nhận thấy trái dưa lưới không khác gì trái dưa hấu, đặc biệt dưa lưới trồng dưới chân ruộng đạt chất lượng, màu sắc dưa vẫn đảm bảo không khác gì nhà lưới và chi phí giảm đáng kể khi không phải đầu tư làm nhà lưới. Tuy nhiên, hệ thống tưới cho dưa vẫn phải thiết kế bài bản như bên trong nhà màng, để cung cấp đủ lượng nước tưới cho dưa 2 ngày/lần, lúc thời tiết nắng nóng.

    Mở bao lưới bao trái dưa, xem độ lớn của trái dưa lưới có màu vàng chanh đẹp mắt, anh Việt Trung bộc bạch, nếu như trồng dưa bên trong nhà lưới thì dưa không cần phải bao trái, còn trồng dưa lưới dưới chân ruộng thì phải bao từng trái dưa ngay lúc dưa có kích cỡ bằng trái chanh, phòng tránh các loại côn trùng, sâu hại tấn công dưa. Đồng thời, toàn bộ quá trình canh tác dưa, phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng dưa theo hướng hữu cơ để dưa sinh trưởng tốt, cho trái nhiều và trái dưa nằm luôn trên nền đất đã được bao lưới.

    Anh Việt Trung cho biết thêm: “Tôi xuống giống 3 loại dưa lưới khác nhau, trên diện tích đất ruộng 1 ha, khoảng 2 tuần nữa số lượng dưa trồng dưới chân ruộng sẽ cho thu hoạch, ước sản lượng dưa thu về hơn 9 tấn trái, trừ chi phí ước lợi nhuận 270 triệu đồng. Thu hoạch xong đợt dưa lưới dưới chân ruộng, tôi tiếp tục chuyển đổi 1 ha đất lúa sang trồng dưa lưới, nâng diện tích trồng dưa lưới dưới chân ruộng lên 2 ha. Tới đây, tôi sẽ thực hiện “cổ phần” việc trồng dưa lưới bằng cách cho người dân góp vốn mua dây dưa. Mỗi dây dưa có giá 250.000 đồng, mua bao nhiêu dây dưa tùy nhu cầu và người dân sở hữu dây dưa trong suốt 7 năm. Với 1 dây dưa 1 năm, người mua sẽ được nhận 4 trái dưa. Đây là ý tưởng kinh doanh mới, vừa cung ứng sản phẩm nông sản sạch đến tận nhà cho bà con nông dân, vừa giúp bà con học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông sản sạch, đặc biệt là tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn, khi tham gia vào quá trình “cổ phần” dây dưa lưới”.


Trái dưa lưới do anh Lê Huỳnh Việt Trung trồng được đưa đi trưng bày tại các cuộc hội nghị, các hội chợ trong và ngoài tỉnh rất được đại biểu quan tâm, bởi trái có trọng lượng lớn, chất lượng ngon. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Đồng chí Hồng Minh Nhật - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm thông tin, mô hình trồng dưa lưới tại hộ anh Việt Trung là mô hình trồng dưa lưới duy nhất tại địa phương. Trong suốt thời gian qua, mô hình trồng dưa lưới bên trong nhà màng đã đem lại nguồn thu nhập tốt tại hộ, đặc biệt trái dưa lưới có đầu ra rất tốt, thông qua việc liên kết với các đơn vị thu mua trong và ngoài tỉnh. Hướng tới, Phòng Kinh tế thị xã sẽ thành lập hợp tác xã trồng dưa lưới, để nhân rộng mô hình trồng dưa lưới cho hộ dân trên địa bàn thị xã, góp phần tăng thu nhập tại hộ và tạo công ăn việc làm cho bà con.

    Có thể nói, việc trồng dưa lưới trên nền đất, bên trong nhà màng và đưa cây dưa lưới trồng dưới chân ruộng tại hộ anh Việt Trung đã thu về năng suất cao, chất lượng dưa lưới tốt và đem lại lợi nhuận cao. Với bà con nông dân, khi muốn phát triển trồng cây dưa lưới thì cần học hỏi các kinh nghiệm và dựa vào điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, kể cả thời tiết. Có như thế thì việc trồng dưa lưới mới đảm bảo được thành công và đem lại thu nhập tốt cho nông hộ.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 8322
  • Trong tuần: 79,029
  • Tất cả: 11,802,349